12/7/19

Chất đạm, protein có làm hại thận không ?

Mặc dù chủ đề này cũng như mối lo ngại rằng chất đạm có thể làm hư hại đến quả thận khỏe mạnh đã từ lâu không còn là mối bận tâm của tôi nữa nhưng rất tiếc nó vẫn còn nằm trong tiềm thức của rất nhiều người và cả rất nhiều bác sĩ.

Một điều đáng tiếc nữa là khi nói đến chủ đề này thì vẫn còn có những điều bị khái quát hóa một cách không chính xác. Trước đây, khi nói về chủ đề vitamin tôi đã đề cập rằng các phát biểu mang tính chung chung đều thường không chính xác, đặc biệt là trong ngành y học.

Chất đạm, protein có làm hại thận không ?

Không thể nói là vitamin hoặc protein là có lợi hoặc có hại đối với thận. Những lời nói chung chung, mang tính chất đánh đồng như vậy phần lớn là không chính xác. Và rất phản khoa học.

Chúng ta muốn biết chính xác là khi nào thì chúng có lợi, khi nào có hại, ở dạng nào thì có lợi, dưới dạng nào thì ít có lợi hơn… Đó là chi tiết và kiến thức thực thụ chứ không phải là những lời kêu gọi mang tính chung chung như vẫn thấy ở các phương tiện thông tin đại chúng.

Các nghiên cứu khoa học đã tìm thấy một sự tương quan giữa một chế độ dinh dưỡng giàu chất protein (còn hoàn toàn chưa rõ là dưới dạng nào) ở những người bị bệnh về thận – và chỉ ở những người bị bệnh về thận – với hiện tượng chức năng của thận nhanh chóng trở nên kém đi.

Điều này là nguyên nhân của tuyên bố rất chung rằng protein có thể gây tác hại cho thận. Tiếc là tuyên bố này quá chung chung, quá thiếu chính xác, quá gây mâu thuẫn và thiếu đúng đắn.

Còn rất rất nhiều điều để có thể bàn luận về chủ đề này. Nhưng để ai cũng có thể hiểu được điều này thì còn cần rất nhiều thời gian. Như chúng ta đã biết thì trong ngành y học cần phải ít nhất một thế hệ, tức là 25 năm để phổ biến rộng rãi một loại kiến thức mới và để tất cả mọi người lĩnh hội được.

Chúng ta lại không quan tâm đến việc là các kiến thức cũ từ đâu mà có và tại sao nó lại có chỗ đứng lâu đến vậy và tại sao không có nhiều người chịu nâng cao nghiệp vụ về chủ đề này?

Không, chúng ta chỉ quan tâm tới việc điều gì là thực sự đúng đắn. Vậy protein có tác dụng như thế nào đối với thận? Liệu chúng ta có thể ăn nhiều protein mà không cần phải suy nghĩ?

Đây là điều duy nhất mà mọi người thực sự muốn biết. Không phải là từ đâu, tại sao và cớ gì mà vẫn còn có nhiều các ý kiến trái chiều cũng như những nhận thức lỗi thời. Vậy là chúng ta chỉ quan tâm tới những điều thực sự tồn tại. Đó là KHOA HỌC. Ok, vậy thì bắt đầu khoa học:

Trước hết hãy nói về thận. Chức năng của thận là gì? Quả thận của chúng ta là một màng lọc. Chúng lọc máu và loại bỏ những chất cặn bã thừa. Các chất cặn bã này sẽ được đào thải ra khỏi cơ thể dưới dạng nước tiểu.

Bộ phận lọc là thành phần nhỏ nhất của thận và còn có tên là Cầu thận. Cầu thận có một màng lọc chứa nhiều lỗ nhỏ được gọi là cửa sổ. Màng lọc có nhiều lỗ nhỏ này còn được gọi là lá nền cầu thận.

Máu chảy ở phần trên. Các phần tử nhỏ và đặc biệt là nước sẽ được lọc trên các lá nền và được thải ra nước tiểu. (Thận có thể hoạt động rất tích cực. Mỗi ngày có khoảng 160 lít nước tiểu không cô đặc – nước tiểu không chứa protein – được sản xuất và 160 lít này cũng được thận lọc.

Phần lớn trong số đó sẽ được hấp thụ lại. Khoảng 2 lít nước tiểu sẽ bị mất đi. Thận có thể làm việc rất nhiều. 160 lít một ngày. Vậy mà thậm chí còn có một số người cho rằng uống nhiều nước sẽ làm ảnh hưởng xấu đến thận. Bạn thử nghĩ xem liệu có khác gì khi thận phải lọc 160, 163 hay 165 lít?)

Đó chính là nguyên tắc lọc và làm sạch máu của chúng ta thông qua thận. Thành phần quan trọng là bộ lọc, hay lá nền được cấu tạo bởi những sợi protein không hòa tan (collegene – chất tạo keo).

Rất tiếc là lá nền này có thể bị phá hỏng. Khi đó thận sẽ bị tổn hại và chức năng của nó có thể bị suy kém. Ngày nay, một trong những nguyên nhân chính gây nên các tổn hại cho thận là bệnh tiểu đường.

Đó cũng là nguyên nhân phổ biến nhất gây nên bệnh suy thận hiện nay. Đường làm tổn hại thận. Vậy điều gì xảy ra trong quá trình này? Có thể nói rằng đường làm các khe hở nhỏ trên lá nền dính lại với nhau (miêu tả trong ảnh C).

Đường làm tắc nghẽn các khe hở của lá nền. Điều đó làm lá nền không còn tính xuyên thấu. Quá trình sản xuất nước tiểu bị suy giảm. Trong trường hợp xấu thì quá trình sản xuất nước tiểu có thể bị đình trệ hoàn toàn và điều đó đồng nghĩa với chứng suy thận.

Không chỉ có đường mà còn có những thứ khác có thể làm tắc nghẽn các khe hở. Còn hàng loạt các loại bệnh khác có thể làm hư hại thận như huyết áp cao, chứng xơ vữa động mạch (vôi hóa thành mạch máu, nghĩa là các khe hở bị vôi bám)...

Các bệnh tự miễn (các loại kháng thể bám vào khe hở rồi làm tắc nghẽn chúng), các bệnh truyền nhiễm (các phức hợp kháng nguyên kháng thể làm tắc nghẽn các khe hở)…

Ở các nước phương Tây thì bệnh tiểu đường và chứng xơ vữa động mạch – nghĩa là đường và vôi – là hai nguyên nhân phổ biến nhất làm tắc nghẽn các khe hở. Vấn đề thường gặp và quan trọng nhất của thận là đường.

Đường (Glucose) là nguyên nhân gây ra quá trình Glycosyl hóa lá nền. Điều này diễn ra thông qua việc các khe hở bị các sản phẩm hóa đường cấp cao (advanced glycosylation end-products – AGE) làm tắc nghẽn. Do vậy nên đường làm dính lá nền – bộ lọc quan trọng nhất của thận.

Như đã đề cập ở trên thì lá nền được cấu thành từ những sợi protein không hòa tan (chất tạo keo), đặc biệt là các chất tạo keo chủng túyp IV (Kollagen T4) . Các chất tạo keo chính là protein.

Việc đường làm tắc một thành tố tạo protein trong cơ thể thì đã rõ ràng. Nhưng làm thế nào mà protein lại có thể làm hư hại một thành phần tạo nên protein? Có một điều chắc chắn là các phân tử protein không làm hư hại đến lá nền.

Do đó trong giới khoa học đều có chung một nhận định là việc những người khỏe mạnh ăn nhiều chất protein không có ảnh hưởng tiêu cực nào đến thận.

Tuy nhiên thỉnh thoảng lại có những trường hợp cho thấy rằng những người bị bệnh thận khi ăn nhiều chất protein thì chức năng thận của họ ngày càng bị giảm sút đi.

Phần lớn các nhận định này đều xuất phát từ những trường hợp đã xảy ra, nghĩa là về sau người ta mới nghiên cứu là những người đó ăn bao nhiêu protein và ở dạng nào. Vậy điều đó nghĩa là sao? Vừa trước chúng ta đã thấy là bản thân lá nền cũng là protein.

Vậy làm sao mà protein có thể làm hư hại nó được? Câu trả lời rất hiển nhiên: Thứ làm hư hại thận không phải là bản thân protein mà là thứ thường xuyên được tự động sản sinh khi ăn nhiều protein: đó là chất phốt-phát.Thông thường chất phốt-phát cũng được thận đào thải.

Khi chức năng của thận không còn hoạt động đầy đủ thì phốt-phát tích tụ trong máu. Cùng với các chất protein có tên gọi là tổ hợp protein – khoáng chất, chất phốt-phát có thể cấu tạo nên các phần tử canxi-protein.

Các phần tử canxi-protein này có thể khiến các mạch máu bị vôi hóa và điều này cũng dẫn đến việc lá nền bị vôi hóa. Điều này đồng nghĩa với việc lá nền lại bị tắc và chức năng thận lại bị hư hại.

Cho tới nay chưa có nghiên cứu nào chứng minh được rằng bản thân protein có thể làm hư hại thận. Tuy nhiên các phân tích cho thấy phần nào sự tương quan giữa việc ăn nhiều chất đạm ở những người bị bệnh thận với hiện tượng xuống cấp nhanh chóng của chức năng thận.

Đó chính là mấu chốt của vấn đề. Ngay cả các bác sĩ cũng thường xuyên nhầm lẫn giữa tính tương quan và tính hệ quả (Correlation and Causality). Không thể sử dụng tính tương quan để đưa ra một kết luận về hệ quả!!!

Ví dụ: có sự tương quan cao giữa các xe cứu hỏa đỗ trước những căn nhà đang cháy. Kết luận: xe cứu hỏa là nguyên nhân gây ra hỏa hoạn. Tất nhiên điều đó là không đúng. Điều ngược lại mới là điều chính xác.

Điều này xảy ra khi người ta mù quáng đưa ra kết luận từ các mối tương quan mà các nghiên cứu mang lại. Do đó cần luôn ý thức được một điều: khi nhìn nhận các nghiên cứu phải tính cả đến các KIẾN THỨC và hiểu biết cơ bản!!!

Có thể đưa ra một lý giải cho sự tương quan giữa việc ăn nhiều chất đạm với hiện tượng xuống cấp nhanh của chức năng thận là nguồn gốc của các chất đạm đó là từ các loại thịt (đặc biệt là các loại thịt đỏ đã qua chế biến).

Bên cạnh một hàm lượng phốt-phát vô cơ cao thì thịt còn chứa nhiều loại chất béo có đặc tính xấu (Omega6) hơn là các loại chất béo có đặc tính tốt (Omega3). Ngược lại ở cá thì người ta đã biết rõ rằng chất béo Omega3 có một tác dụng tích cực tới chức năng thận và bảo vệ thận.

Khi ăn nhiều thịt, cơ thể hiển nhiên sẽ hấp thụ các chất phốt-phát, chất béo, bazơ purin (tạo axit uric) có đặc tính xấu và điều này đồng nghĩa với việc thận phải hứng chịu các ảnh hưởng tiêu cực. Chất phốt-phát tích các canxi phốt-phát lên lá nền.

Axit uric có thể tạo nên các hạt tinh thể làm tắc nghẽn hoặc hư hại các khe hở của lá nền. Omega6 là nguyên nhân phổ biến gây nên các nhiễm trùng và tắc nghẽn mạch máu, kể cả thành của lá nền.

Phốt-phát: Khi bị bệnh thận thì việc sản sinh các loại 1,25 Vitamin D3 năng động sẽ bị giảm sút. Việc thiếu Vitamin D sẽ làm tăng số lượng các hormon tuyến cận giáp.

Các hormon tuyến cận giáp lại là nguyên nhân giải phóng chất phốt-phát khỏi xương. Quả thận bị hư hại sẽ không còn đủ khả năng đào thải các chất phốt-phát dư thừa. Do đó các chất phốt-phát này ứ đọng lại nhiều trong máu.

Đây là điều kiện tối ưu để cấu thành cùng các chất như canxi, vôi, các phần tử canxi-protein kể trên – các chất có thể gây hư hại cho bộ phận lọc quan trọng của chúng ta là lá nền. Đấy các bạn thấy không, lại là sự quan trọng của vitamin D3. Về D3 chắc tôi cũng đã viết hơn cả chục bài rồi nhỉ.

Việc hấp thụ nhiều chất phốt-phát thông qua các loại đồ ăn nhanh (fast-food), nước ngọt, chất bảo quản sẽ làm tăng việc sản sinh các phần tử canxi-protein.

Nhận định từ kết quả của nhiều cuộc nghiên cứu rằng chức năng phổi bị giảm sút nhanh ở những người đã có tiền sử bệnh thận chỉ là một mối liên hệ mà hệ quả của nó tuy vẫn còn chưa được làm sáng tỏ, song có khả năng lớn là xuất phát từ những thành phẩm của thịt, xúc xích, đồ ăn nhanh, phó-mát.

Điều đó có nghĩa là những người bị bệnh thận phải thận trọng trong việc tiêu thụ các loại thực phẩm thịt, xúc xích, đồ ăn nhanh, phó-mát chứ không phải với các loại chất đạm tinh chất từ các nguồn chứa ít chất phốt-phát và chất béo Omega6 (chất đạm từ sữa, chất đạm từ cá, bột chất đạm - chất đạm tinh chất, chất đạm từ trứng).

Chắc chắn là đối với những người không bị bệnh thận thì một chế độ dinh dưỡng với hàm lượng protein cao có thể được coi là một điều an toàn. Cuộc nghiên cứu này còn tìm ra rằng các nguồn chất đạm khác nhau có những ảnh hưởng khác nhau tới thận.

Các nhà khoa học đã nghiên cứu Casein, chất đạm từ đậu nành, các loại chất đạm hỗn hợp và tác động của chúng tới thận. Kết quả là: chỉ có Casein khi được sử dụng lâu là có dấu hiệu làm tăng cường chứng xơ nang thận, còn chất đạm từ đậu nành hay các loại chất đạm hỗn hợp thì không.

Casein chứa nhiều chất phốt-phát. Điều đó có nghĩa là nguyên nhân không phải xuất phát từ chính chất đạm mà quan trọng là chất nào đồng hành cùng chất đạm đó. Trong trường hợp của thận thì chất gây ra vấn đề là chất phốt-phát.

Trứng là sản phẩm được đặc biệt khuyến cáo sử dụng bởi những người bị bệnh thận. Trứng là nguồn đạm cực kỳ tốt. Thật tình cờ: Lòng trắng trứng chứa một tỷ lệ phốt-phát/protein cực thấp.

Lòng trắng trứng cũng có một hàm lượng axit thấp (Tiềm năng tải axit trên thận -potential renal acid load PRAL: 0,4 mEq trên một suất).

Nghiên cứu mới đây vào năm 2018 cho thấy chất đạm từ cá có tác dụng tích cực đối với thận hơn hẳn so với các chất đạm hỗn hợp. Còn đây là một vài dữ liệu khoa học nữa:

Năm 2012, trong một cuộc phân tích tổng hợp 74 các nghiên cứu, khi so sánh một chế độ dinh dưỡng giàu chất đạm với một chế độ dinh dưỡng ít chất đạm thì các nhà nghiên cứu không thể tìm ra bất kỳ một khác biệt nào về chức năng thận.

Tuy nhiên, chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng có các tác động tích cực tới những yếu tố như chứng béo phì, huyết áp và mỡ máu.

Một phân tích tổng hợp khác vào năm 2014 khảo sát 30 nghiên cứu và so sánh chế độ ăn kiêng giàu chất đạm với chế độ ăn kiêng có chất đạm bình thường/ ít chất đạm.

Nghiên cứu đã cho thấy những người tham gia thuộc nhóm ăn kiêng giàu chất đạm có tỉ lệ lọc cầu thận (GFR), số lượng urê, lượng thải can-xi qua nước tiểu cũng như mức axit uric cao hơn (ngoại trừ một nghiên cứu sử dụng chất đạm thực vật).

Ở đây người ta tìm thấy được hiện tượng axit uric bị giảm. Điều này cũng lô-gic bởi axit uric không phải do chất đạm sản sinh ra mà là do bazơ purin).

Trong nghiên cứu trên thì việc tỉ lệ lọc cầu thận (GFR) tăng cao được xem như một cơ chế thích nghi của thận, nghĩa là thận tăng cường chức năng của mình để thích nghi với lượng chất đạm cao.

Cả ở một nghiên cứu khác vào năm 2009 thì các nhà khoa học cũng cho thấy được rằng việc hấp thụ tăng cường chất đạm cũng làm tăng tỉ lệ lọc cầu thận GFR. Hai nhóm đối tượng đã được so sánh với nhau.

Một nhóm được dùng 2,4 g chất đạm / 1 kg trọng lượng cơ thể mỗi ngày còn nhóm kia dùng 1,2 g chất đạm/ 1 kg trọng lượng cơ thể mỗi ngày. Kết quả cho thấy nhóm dùng nhiều chất đạm có tỉ lệ GFR là 141 ml/ phút, còn nhóm dùng ít chất đạm có chỉ số GFR là 125 ml/ phút.

Vậy GFR là gì? GFR là tỉ lệ lọc cầu thận. Ở trên chúng ta đã thấy là máu của chúng ta được lọc thông qua lá nền cầu thận. Mỗi ngày có 160 lít được lọc qua lá này.

Số lượng được lọc này được sử dụng để làm tiêu chuẩn cho chức năng thận. Nếu lấy 160 lít mỗi ngày tính ra phút và đổi ra mililít thì chúng ta có một GFR là 111ml/phút. Chức năng của thận càng kém thì chỉ số GFR càng thấp.

Căn cứ vào GFR người ta chia chứng suy thận làm 4 giai đoạn. Giai đoạn một là giai đoạn chức năng thận bình thường hoặc ít bị giới hạn cho đến giai đoạn 4 là giai đoạn chức năng thận bị hư hỏng nặng (thường là phải dùng đến phương pháp thẩm tách – dialysis).

Giai đoạn 1: GFR > 90
Giai đoạn 2: GFR 60-89
Giai đoạn 3: GFR 30-59
Giai đoạn 4: GFR 15-29

Chúng ta hãy quay lại các nghiên cứu được đề cập ở trên về chất đạm và thận: chất đạm càng nhiều thì GFR càng cao. Bạn còn thắc mắc chứ?
Vậy là khi có nhiều chất đạm thì thận lại phải càng làm việc nhiều.

Càng nhiều nhiệm vụ thì thận càng vững chãi. Người ta cũng thấy rằng kích cỡ của thận cũng phát triển khi có nhiều chất đạm. Kết luận cho rằng làm việc nhiều khiến thận bị hư hại là hoàn toàn không lô-gic.

Liệu cơ bắp của chúng ta có bị hư hại khi chúng ta bắt nó làm việc nhiều? Không những không mà nó còn trở nên cường tráng hơn. Não của chúng ta có bị hư hại khi chúng ta sử dụng nó nhiều không?

Tất nhiên là không. Vậy thì tại sao điều này lại không được áp dụng đối với thận? Khi chức năng thận bị giảm sút thì điều đó có thể làm thận bị nhỏ lại. Nhờ chất đạm nên thận sẽ trở nên to hơn.

Liệu bộ lọc cà phê có bị tắc khi chúng ta cho nước chảy qua đó? Bạn hãy hình dung ra một bộ lọc cà phê. Lọc nhiều nước song không bị tắc. Khi chúng ta cho đường hoặc vôi vào thì bộ lọc đó về lâu về dài sẽ bị tắc nghẽn.

Chúng ta hãy xem xét một nghiên cứu theo nhóm rất thích hợp với chủ đề này được thực hiện ở 63257 người lớn. Nghiên cứu này đã chỉ rõ quan điểm cũ cho rằng nhiều chất đạm sẽ chỉ làm tình trạng của quả thận vốn đã không được khỏe càng trở nên tồi tệ hơn.

Nhóm hấp thụ nhiều chất đạm có nguy cơ bị suy thận nặng (ESRD = end stage renal disease – bệnh thận giai đoạn cuối) cao gấp 1,24 lần (tỷ lệ mắc phải – hazard ratio).

Khi hóa giải các nguồn chất đạm đó thì người ta phát hiện ra rằng chỉ có các loại thịt đỏ mới có liên quan rõ rệt với việc chức năng thận bị giảm sút. Việc ăn các loại thịt gia cầm, cá, trứng, các sản phẩm từ sữa không cho thấy bất kỳ một tác động tiêu cực nào đến chức năng thận.

Điều đặc biệt thú vị ở cuộc nghiên cứu này là nhóm những người ăn thịt (đỏ) nhiều nhất cũng chính là những người có tỉ lệ hấp thụ chất đạm cao nhất.

Điều đó có nghĩa là: khi nghiên cứu việc hấp thụ chất đạm tổng hợp ở một nhóm người dân thì nhóm người hấp thụ nhiều chất đạm luôn là nhóm người ăn nhiều thịt (đỏ) nhất. Nguyên nhân là do không có sự chú ý và phân biệt một cách đúng đắn.

Do đó chắc chắn là chất đạm đã bị gán cho một tác dụng tiêu cực ở nhiều các cuộc nghiên cứu một cách sai lầm, mặc dù có thể thịt đỏ mới là nguyên nhân thường xuyên gây nên các kết quả tiêu cực.

Cuộc nghiên cứu ở 6213 người tham gia bị bệnh tiểu đường tuýp 2 đã đưa ra được nhận định là một chế độ ăn uống điều độ và uống ít rượu có ảnh hưởng tích cực tới chức năng thận.

Ăn nhiều hoặc ít chất đạm và muối không làm nên bất kỳ một sự khác biệt nào đối với sự phát triển của chứng suy thận mãn tính. Nghiên cứu này cũng cho thấy những người có tỉ lệ hấp thụ chất đạm thấp nhất cũng có rủi ro mắc một bệnh về thận cao gấp 1,16 lần (tỷ lệ mắc phải – hazard ratio).

Tất nhiên bên cạnh đó cũng có những nghiên cứu nổi tiếng cho rằng tỉ lệ hấp thụ protein cao có thể dẫn đến việc chức năng thận bị giảm sút. Trong cuộc nghiên cứu này, những người tham gia được kiểm tra trong vòng 12 năm.

Nếu hấp thụ nhiều chất đạm sẽ kéo theo việc chỉ số GFR cũng tăng trong thời gian ngắn, nhưng về lâu dài thì nó sẽ làm chỉ số GFR ngày càng giảm. Tuy nhiên, kể cả nghiên cứu này cũng không hề đề cập đến chủng loại và nguồn chất đạm.

Dù gì thì những nghiên cứu này (mặc dù không có tính thuyết phục cao) cũng vẫn đang tồn tại và căn cứ vào đó, để chắc chắn, thì những người bị bệnh thận được khuyến cáo là nên giảm việc hấp thụ protein.

Xem thêm: Casein là gì ? Có tốt không ?

Một vấn đề của bệnh suy thận mãn tính là chứng nhiễm toan chuyển hóa. Các axit không còn được loại bỏ thông qua thận một cách tốt như trước nữa.

Một nhóm các nhà nghiên cứu đã có một phát hiện tuyệt vời về vấn đề này: Nhà khoa học De Brito-Ashurst et al đã nghiên cứu 2009 bệnh nhân bị chứng suy thận giai đoạn IV.

Một nhóm bệnh nhân được cho dùng bicarbonate trong vòng 2 năm. Một nhóm khác thì không. Nhóm dùng bicarbonate (1,8 gram một ngày) ít bị suy thận (bệnh thận giai đoạn cuối) hơn một rõ rệt so với nhóm không dùng bicarbonate (6,5% so với 33%).

Chỉ đơn giản như vậy đó. Dùng 1,8 gram bicarbonate hàng ngày mà con số suy thận chỉ còn 1/5 so với không dùng bicarbonate. Có thể loại bỏ axit bằng cách đơn giản như vậy đó.

Mỗi lít nước khoáng có đặc tính chữa bệnh (tiếng đức gọi là nước Heilwasser) đều chứa 1,8 gram bicarbonat. Vậy là chỉ cần một chút nước khoáng này là có thể loại bỏ được vấn đề về axit và không phải lo lắng gì thêm về các loại axit có đặc tính không tốt nữa.

Xem thêm: Essential amino acids và BCAA

Cuối cùng tôi muốn đề cập đến một điều tra quan trọng được thực hiện trong thời gian dài trong khuôn khổ của một cuộc nghiên cứu lớn: cuộc nghiên cứu MDRD (Modification of Diet and renal disease – điều chỉnh chế độ ăn kiêng và bệnh thận).

Cuộc nghiên cứu này đã so sánh những người tham gia bị chứng suy thận ở giai đoạn 4. Một nhóm được cho dùng „chế độ ăn kiêng ít đạm“ (0,58 g/ 1 kg trọng lượng cơ thể/ một ngày), nhóm khác dùng „chế độ ăn kiêng rất ít đạm“ (0,2 g/ 1kg trọng lượng cơ thể/ một ngày).

Kết quả là một chế độ ăn kiêng có chứa rất ít đạm không làm chậm lại được quá trình phát triển bệnh suy thận. Tỉ lệ tử vong ở nhóm những người dùng chế độ ăn kiêng rất ít đạm gần như cao gấp đôi là 1,92 lần (tỷ lệ mắc phải – hazard ratio).

Thì cũng đúng thôi, chúng ta cần chất đạm để sống sót, đặc biệt là người bị bệnh!!!!!! Không biết phải bao nhiêu dấu chấm than cho đủ! Vấn đề nó là như thế đấy.